Khoảng 200.000 người tử vong do tim mạch tại Việt Nam mỗi năm, chiếm tới 33% các ca tử vong. 

bs huynh van minh
GS. TS. BS. Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam tại hội nghị. (Ảnh: magazine.fvhospital.com)

Con số thống kê trên được nêu nhân hội nghị Tim Mạch thường niên lần 2 do Bệnh viện FV (TP.HCM) tổ chức ngày 20/4, với chủ đề “Điều trị Bệnh Tim Mạch: Hiện tại và tương lai”. Nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham dự, chia sẻ kiến thức y khoa quan trọng trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị các bệnh tim mạch.

GS.TS.BS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho hay theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới từ 23 đến 37%, tức cứ 3 đến 4 người thì có một người mắc.

Bộ Y tế Việt Nam vào năm 2023 cho hay mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, chiếm tới 33% các ca tử vong. Mặc dù diễn ra âm thầm, song thực tế bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào – Phó Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam cho hay tim mạch là một trong những biến chứng hàng đầu (chiếm tới 34%), theo theo thống kê từ bệnh nhân đái tháo đường điều trị bằng bảo hiểm y tế tại Việt Nam. Do vậy, việc quản lý biến chứng tim mạch cho bệnh nhân đái tháo đường từ sớm là vô cùng quan trọng.

bs nguyen thi bich dao
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào – Phó Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam. (Ảnh: magazine.fvhospital.com)

Bác sĩ Đào cho hay các cơ sở y tế của Việt Nam đã bắt đầu đưa ra chiến lược tiếp cận toàn diện cho bệnh nhân, như sử dụng các thuốc được chứng minh có lợi trên tim mạch và thận bên cạnh kiểm soát các yếu tố nguy cơ (ổn định huyết áp, kiểm soát đường huyết, quản lý mỡ máu, giữ cân nặng ở mức hợp lý….). Bác sĩ Đào cũng đề cập tới một số thuốc SGLT2i như empagliflozin cho thấy lợi ích trên chuyển hóa gồm giảm HbA1C, cân nặng, ổn định huyết áp và hiệu quả giảm các biến cố tim mạch-thận.

PGS. TS. BS. Edward T C Choke – Bác sĩ điều trị cấp cao, Bệnh viện Đa khoa Sengkang Singapore đề cập đến tình trạng xơ vữa trong động mạch ngoại biên.

Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi (thường là chi dưới) gây thiếu máu cục bộ, có thể dẫn đến hoại tử. Điều trị bệnh này thông thường là dùng thuốc, đặt stent hoặc cắt nạo mảng xơ vữa.

doctor Edward T C Choke
PGS. TS. BS. Edward T C Choke – Bác sĩ điều trị cấp cao, Bệnh viện Đa khoa Sengkang Singapore. (Ảnh: magazine.fvhospital.com)

Trong phần trình bày với chủ đề “Tái tưới máu bệnh động mạch ngoại biên”, PGS. TS. BS. Edward T C Choke giới thiệu công nghệ loại bỏ mảng xơ vữa trong động mạch ngoại biên bằng laser với Hệ thống Auryon.

Hệ thống Auryon được chỉ định sử dụng trong phẫu thuật loại bỏ xơ vữa động mạch mà không cần dùng ống thông, xử lý hẹp và tắc vùng dưới bẹn, bao gồm cả tái hẹp trong stent, có thể loại bỏ được các mảng vôi hoá. Kết quả lâm sàng rất khả quan, phù hợp với bệnh nhân bị bệnh mạch máu ngoại biên nặng.

TS.BS Hồ Minh Tuấn – Trưởng Khoa Tim mạch Bệnh viện FV nhận xét: “Đây là một kỹ thuật mới hiện chưa được triển khai tại Việt Nam. Hy vọng từ phần trình bày của PGS. TS. BS. Edward T C Choke, trong thời gian tới FV và một số bệnh viện khác sẽ tìm hiểu thêm và trang bị kỹ thuật này để điều trị cho bệnh nhân”.

bs ho minh tuan
TS.BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng Khoa Tim mạch Bệnh viện FV. (Ảnh: magazine.fvhospital.com)

Chứng bệnh hẹp van động mạch chủ được chú ý khi có nguy cơ tử vong cao và ngày càng phổ biến khi tuổi thọ của dân số gia tăng, chiếm tới 30% người trên 70 tuổi. Hẹp van động mạch chủ là tình trạng van tim không thể mở ra hoàn toàn, gây cản trở lưu lượng máu từ tim đi nuôi cơ thể.

Trong bài trình bày về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) của GS.BS. Asri Bin Said, ông cho hay thay vì phương pháp truyền thống là mổ hở gây nguy cơ thất bại cao đối với bệnh nhân cao tuổi, phương pháp TAVI giúp thay van tim bằng phương pháp nội soi. Phương pháp này đã mở ra cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân hẹp van hơn, đặc biệt với bệnh nhân cao tuổi. “TAVI phù hợp đối với các trường hợp có độ tuổi từ 65 – 75. Tuổi thọ của van TAVI có độ bền tốt ở mức 10 năm, và tốt ngang nếu không muốn nói là tốt hơn van sinh học phẫu thuật”, GS.BS. Asri Bin Said nhận định.

Hiện phương pháp van động mạch chủ qua da (TAVI) được triển khai ở nhiều cơ sở điều trị tim mạch lớn tại Việt Nam. Phương pháp này đã được triển khai gần đây tại Bệnh viện FV, giúp điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý hẹp van tim mà không cần mổ hở. Bệnh nhân cao tuổi nhất thực hiện thủ thuật này tại FV là 83 tuổi.

Bệnh tim mạch “trẻ hóa” do lối sống, hành vi kém lành mạnh

Theo thống kê của Viện Tim Mạch Việt Nam qua các năm từ 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm, tăng lên 25%, tương đương cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người tăng huyết áp.

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Cần lưu ý, bệnh tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hoá.

“Người trẻ cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội. Ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc và tử vong tăng, cùng với đó là gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí gia tăng…” – PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia lưu ý tại lễ mit tinh hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới năm 2023 (29/9).

Các bệnh lý tim mạch chủ yếu có liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm yếu tố về gia đình, chủng tộc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… nhưng đặc biệt là các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống (lười vận động, thói quen có hại, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh), ô nhiễm môi trường, căng thẳng (stress) và có cả sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong tiếp cận phòng – chữa bệnh.

Sơn Nguyên