Sinh viên tại Đại học Columbia ở New York, những người châm ngòi cho phong trào sinh viên ủng hộ người Palestine trên toàn nước Mỹ, đã từ chối chấp nhận tối hậu thư của chính quyền Biden về việc chấm dứt các cuộc biểu tình và chiếm đóng một tòa nhà trong khuôn viên trường vào tối thứ Hai theo giờ địa phương.

Embed from Getty Images

Vào ngày 29/4/2024, những người biểu tình tại Đại học Columbia vẫn ở trên bãi cỏ. Ban đầu, nhà trường yêu cầu họ rời khỏi bãi cỏ và dọn dẹp các lều trại trước 2h chiều. Khi họ không rời đi trước thời hạn, nhà trường bắt đầu ban hành lệnh đình chỉ. (Ảnh: Getty Images)

Biểu ngữ “Palestine hòa bình” được treo trên cửa sổ của tòa nhà. Hôm thứ Ba (ngày 30/4), đông đảo cảnh sát đã có mặt trong khuôn viên trường, và trường đã hạn chế nghiêm ngặt việc ra vào khuôn viên, chỉ có một lối vào dành cho giảng viên, nhân viên và sinh viên sống trong ký túc xá.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích việc sinh viên chiếm đóng tòa nhà. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Tổng thống không tin rằng việc chiếm giữ các tòa nhà trong khuôn viên trường là biểu tình ôn hòa”.

Vào tối thứ Hai (ngày 29/4), trường đại học danh tiếng này đã ra lệnh “đình chỉ học” đối với một số sinh viên vẫn còn ở trong lều, sau khi cuộc đàm phán sơ tán khỏi các lều tự phát này thất bại.

Hiệu trưởng Đại học Columbia Nemat Minouche Shafik cho biết trong một tuyên bố, rằng ban lãnh đạo trường đã đàm phán với người biểu tình trong một thời gian dài, nhưng không thuyết phục được họ dỡ bỏ hàng chục lều được dựng lên để phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Chủ tịch Đại học Columbia, bà Minouche Shafik, đã đưa ra tối hậu thư vào thứ Hai, có hiệu hết hạn vào lúc 18:00 GMT. Bà Shafik ra lệnh cho hàng trăm sinh viên biểu tình trong lều trại phải rời đi, nếu không sẽ đình chỉ việc học. Nhà trường nói với giới truyền thông vào tối thứ Hai: “Là một phần của các sáng kiến ​​mới nhằm đảm bảo an toàn trong khuôn viên trường, chúng tôi đã bắt đầu đình chỉ sinh viên về mặt hành chính”.

Theo Reuters đưa tin, sáng thứ Hai (ngày 29/4), Đại học Columbia đã phát thông báo tới người biểu tình, cảnh báo rằng các lều phải được giải tỏa trước 2h chiều trong ngày theo giờ Miền Đông nước Mỹ. Những sinh viên không sơ tán và ký cam kết tuân thủ các chính sách của trường sẽ bị đình chỉ học và không đủ điều kiện để hoàn thành học kỳ.

“Chúng tôi đã bắt đầu đình chỉ sinh viên như một phần trong nỗ lực đảm bảo một khuôn viên trường an toàn”, phát ngôn viên Ben Chang của Đại học Columbia cho biết trong cuộc họp báo tối thứ Hai.

Người phát ngôn này nói thêm: “Những lều trại này tạo ra một môi trường không được chào đón đối với nhiều sinh viên và nhân viên Do Thái, cũng như gây ồn ào cho việc dạy, học và chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ”.

Theo hình ảnh trên mạng xã hội, những người biểu tình sau đó đã rào chắn bên trong tòa nhà Hamilton trong đêm, trong khi những người khác bảo vệ họ bằng chuỗi người bên ngoài tòa nhà. Nhóm sinh viên ủng hộ Palestine cho biết: “Rủi ro mà chúng tôi gặp phải khi nắm quyền kiểm soát một tòa nhà không là gì so với sự phản kháng hàng ngày mà người Palestine ở Gaza thực hiện.”

Columbia
Những người biểu tình ủng hộ Palestine tại Đại học Columbia. (Ảnh chụp màn hình video)

Các sinh viên và các nhà hoạt động ủng hộ Palestine đang yêu cầu Đại học Columbia, một trường đại học tư thục, cắt đứt quan hệ với các khách hàng và công ty của Israel.

Theo Reuters, những người biểu tình tuyên bố sẽ ở lại khuôn viên trường cho đến khi Đại học Columbia đáp ứng 3 yêu cầu lớn, bao gồm thoái vốn, minh bạch tài chính của trường đại học và không trừng phạt sinh viên và giảng viên tham gia biểu tình.

Chủ tịch Shafik cho biết, Đại học Columbia sẽ không từ bỏ các tài sản liên quan đến Israel, mặc dù đây là một trong những yêu cầu chính của người biểu tình. Nhưng Đại học Columbia đã đề xuất đầu tư vào y tế và giáo dục ở Dải Gaza, đồng thời làm cho các khoản đầu tư trực tiếp của trường trở nên minh bạch hơn.

Đại học Columbia đã cam kết hôm thứ Sáu (ngày 26/4) rằng cảnh sát New York sẽ không được triển khai để sơ tán các lều. Nhưng theo quan điểm của giáo sư Joseph Howley của Đại học Columbia, tối hậu thư do Chủ tịch Shafiq đưa ra chẳng khác gì việc “khuất phục trước áp lực chính trị bên ngoài”.

Trong 10 ngày qua, làn sóng phản đối các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza bắt đầu tại Đại học Columbia đã lan rộng tới hàng chục trường đại học Mỹ. Vào ngày 18/4, 100 người đã bị bắt. Kể từ đó, hàng trăm sinh viên, giáo viên và nhà hoạt động khác đã bị chặn, bắt và truy tố tại các trường đại học trên cả nước.

Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (ngày 30/4) bày tỏ “mối quan ngại” về hoạt động của cảnh sát Mỹ trong khuôn viên trường đại học. Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Volker Türk cho biết: “Một số biện pháp nhất định được các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện tại một số trường đại học dường như đã có tác động không tương xứng”.

Theo hãng tin AFP, một số sinh viên Do Thái cũng tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine để vạch trần “nạn diệt chủng” ở Dải Gaza.

Bị ảnh hưởng bởi phong trào sinh viên Mỹ, một số sinh viên từ các trường đại học nổi tiếng của Pháp như Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciences Po) và Đại học Sorbonne cũng phát động hành động “chiếm giữ khuôn viên trường”, nhưng cảnh sát đã giải tán họ vào thứ Hai. Liên đoàn Nhân quyền Pháp (LDH) và một số nhóm công đoàn đã cảnh báo về “sự đàn áp” vào thứ Ba.

“Chiếm đóng các trường đại học là một cách biểu đạt và biểu tình ôn hòa của giới trẻ, vì vậy việc buộc sinh viên rời Đại học Sorbonne không phải là chuyện nhỏ”, Liên đoàn Nhân quyền cho biết hôm thứ Ba, đồng thời nói thêm rằng tổ chức này đã “đưa ra cảnh báo về sự gia tăng áp bức chính trị của chính quyền”.

Một số công đoàn giáo dục đại học và tổ chức sinh viên của Pháp cho biết: “Một số trường đại học đã cấm giảng dạy công khai về vấn đề Palestine, hạn chế quyền tự do ngôn luận và đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên. Những điều này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cực kỳ đáng ngại đối với quyền tự do của trường đại học.”

Họ cho biết trong một tuyên bố chung: “Trong những ngày gần đây, các sinh viên từ Sciences Po và Đại học Sorbonne vận động ủng hộ hòa bình và ủng hộ người dân Palestine, nhưng đã bị lực lượng an ninh xua đuổi một cách dã man, đây là một ví dụ điển hình”.

Trí Đạt (t/h)